Sáng nào cũng như sáng nào, họ lặng lẽ đến với nhau tại một quán cà phê góc phố, đôi khi không chào hỏi, quen quá rồi, gần cả đời ngồi với nhau, nhìn mặt xem coi còn mạnh khỏe là vui rồi. Có hôm thì tán gẫu đủ thứ chuyện trên đời, chuyện bên Tây bên Tàu, chuyện từ thành thị đến thôn quê và câu chuyện lúc nào cũng không có đoạn kết, vì toàn là chuyện… tào lao. Họ là những bạn bè học chung Trường Trung học Trang trí Mỹ thuật Gia Định. Sau đó lên đại học, mỗi người chọn một hướng đi.
|
Nhóm bạn… tào lao. Mh: T.H.Hòa |
Hôm nọ, họa sĩ Trần Châu, một trong những đại ca của nhóm, với cái miệng móm sọm, nói chuyện một hồi lại có tật trề môi hóm hỉnh, đó là lúc sắp khai pháo về một chủ đề nào đó. Trần Châu hóm hém: “Vừa rồi tao dự trại sáng tác mỹ thuật quốc tế, có nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc nước ngoài tham dự. Điều đáng nói là sau khi bế mạc, ban tổ chức lại đi mua “hàng chợ” làm quà lưu niệm tặng cho các trại viên. Nhìn bạn bè nước ngoài cầm quà trên tay, tao mắc cỡ gần chết”.
Huỳnh Bình Phong, tuy học trường mỹ thuật nhưng lại sống bằng nghề kinh doanh cây kiểng, góp ý theo góc nhìn từ… cây kiểng: “Chuyện tặng quà lưu niệm, việc này thoạt nhìn tưởng chừng rất nhỏ và tầm thường nhưng lại cực kỳ quan trọng, vì giá trị, chất lượng nghệ thuật của món quà chính là dấu hiệu thể hiện sự hiểu biết, quan tâm đến văn hóa nghệ thuật của nước chủ nhà. Chọn loại “hàng chợ” làm quà lưu niệm cho khách quốc tế, trước tiên nói lên sự thiếu đầu tư về văn hóa. Nếu văn hóa, đạo đức và văn học nghệ thuật kém thì không thể nào được tôn trọng”.
Huỳnh Bình Phong nhấn mạnh: “Hoa sen được xem là quốc hoa, tại sao không có một cuộc thi vẽ về hoa sen làm biểu tượng, dùng đó làm quà tặng. Đây cũng là việc làm có ý nghĩa đầu tư cho văn hóa”. Họa sĩ Uyên Huy, với vẻ đạo mạo, từ tốn của một nhà giáo nhân dân, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM, nói chậm rãi: “Văn hóa được thể hiện trong đời sống hàng ngày, trong các mối quan hệ cụ thể giữa con người với nhau, từ trong gia đình, khu phố, học đường, cơ quan, đường phố, giữa quan chức nhà nước với nhân dân. Nó còn thể hiện trong việc đánh giá, thẩm định các giá trị xã hội; đánh giá con người, thể hiện sự công bằng, dân chủ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, giữa mọi tầng lớp trong xã hội…”.
Lý Hón học mỹ thuật nhưng lại kế tục nghề cha truyền con nối, sống nghề bốc thuốc đông y, vẫn không bỏ tật đâm xuồng bể, với giọng cười móc họng, bất ngờ cắt ngang: “Vậy thì vẽ cảnh đẹp của thành phố mình, nhà cao, đường rộng, có cầu vượt cho người đi bộ ngang những con đường lớn nhiều xe, vừa dùng làm quà lưu niệm, vừa giới thiệu về sự phát triển của thành phố”.
Kiến trúc sư Thanh Long, mà bạn bè vẫn thường gọi là Long Khào, chen vào: “Ý kiến của Lý Hón vẽ những nhà cao tầng, tôi cho rằng không phải nói lên vẻ đẹp của thành phố, mà là nói lên sự quy hoạch manh mún, thiếu tính thống nhất, thiếu tính văn hóa dân tộc. Vì lẽ, cứ có công trình kiến trúc nào to tát, là giao cho nước ngoài thực hiện, đành rằng trong xu thế phát triển, trong kiến trúc phải mang dáng dấp hiện đại, nhưng hiện đại cỡ nào cũng phải dựa trên tính dân tộc, nước ngoài thì làm gì có tính dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, xây dựng mới đâu phải đập bỏ hết cái cũ, mà phải biết kế thừa”.
Họa sĩ Uyên Huy tiếp tục: Nếu nói vẽ cầu vượt đi bộ, chẳng khác nào là ghi nhận lại hình ảnh của những “phế tích”, vì xây dựng xong có ai sử dụng đâu? Thể hiện sự quy hoạch thiếu nghiên cứu thực tiễn, thiếu tính cân đối. Cụ thể như về văn học nghệ thuật chúng ta còn thiếu rất nhiều bảo tàng mỹ thuật, nhà hát, rạp xiếc, công viên văn hóa đúng nghĩa, các công trình công cộng đạt chuẩn thẩm mỹ, mang tính chuyên nghiệp cao. Trình độ văn hóa nghệ thuật còn thể hiện trong các công trình công cộng như nhà chờ xe buýt, bến xe, bãi giữ xe, bệnh viện, công viên, tượng đài, đường phố sạch đẹp… Thành phố cũng chưa có sự đầu tư đúng mức dù đã hơn hai mươi năm đổi mới và hội nhập”. Ý kiến của họa sĩ Uyên Huy không chỉ được cả nhóm gật gù tán đồng, mà những người đang ngồi uống cà phê quanh đó cũng tâm đắc lắng nghe.
Họa sĩ Uyên Huy nói tiếp: “Gần đây, người ta còn lấy ý kiến đóng góp cho công trình tốn hàng trăm triệu USD dành riêng cho việc đi bộ, hóng mát trên sông. Đó là dự án xây dựng cầu đi bộ trên sông Sài Gòn. Phải chăng văn hóa đi bộ mới là nét tiêu biểu cho thành phố này? Xây dựng cầu đi bộ quan trọng và cấp thiết hơn xây dựng bảo tàng mỹ thuật và các không gian nghệ thuật khác?”.
Hiệp Già, không phải hiện nay đã già, mà vì anh có cái dáng vẻ già nua từ thời còn đi học trường mỹ thuật, vỗ tay hoan nghênh, đồng thời lên tiếng dừng cuộc cà phê sáng nay. “Ý kiến… tào lao này cũng đáng suy gẫm. Nhưng trưa rồi, điều quan trọng hôm nay là ngày chủ nhật, còn lo về nhà… nhận công tác, kẻo “sếp” cắt cơm”.
Nguyễn Tường Lộc
http://www.sggp.org.vn/vanhoavannghe/2012/3/283772/